Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hoạt động logistics và kết nối hiệu quả và tối ưu là yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
“Logistics hiệu quả càng đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu như Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình”, ông Ousmane Dione nói.
Số lượng chưa đi cùng chất lượng
Vị chuyên gia WB cho biết, trong 20 năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực, nhờ đó trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới, với tỷ trọng kim ngạch thương mại trên GDP đạt trên 170%. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân 15% trong 5 năm qua, cao gần gấp 5 lần tăng trưởng thương mại toàn cầu. Nhờ đó, Việt Nam hiện đang nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu và một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới đối với đầu tư FDI, thu hút khoảng 35 tỷ USD vốn đăng ký vào năm 2017.
Tuy nhiên, vị này thấy số lượng không phải lúc nào cũng đi cùng với chất lượng. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu đã tăng mạnh, Việt Nam vẫn chỉ thực hiện những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Kết quả xuất khẩu chủ yếu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI, hiện đang chiếm tới 70% tổng giá trị xuất khẩu, qua đó cho thấy mối liên kết yếu giữa các doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu. Chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn mức bình quân của khối ASEAN. Tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% so với mức bình quân toàn cầu.
Dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics, mà bằng chứng là việc thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh”, ông Ousmane Dione nói.
Do đó, Việt Nam cần một giải pháp để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu bên cạnh tự do hóa thương mại nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035, khi nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu đã phát triển lên trình độ mới, bảo đảm duy trì tăng trưởng nhanh.
Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo những đòi hỏi tăng lên của một nền kinh tế ngày càng hiện đại. Trong nhiều lĩnh vực sẽ cần có những nhóm giải pháp để bổ sung cho việc tăng cường đáng kể đầu tư vào hạ tầng cơ sở.
Tăng mối liên kết giữa sản xuất và thị trường
Ông Ousmane Dione đưa ra 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển.
Thứ nhất, tăng cường kết nối. Khi khả năng kết nối trở nên có hiệu quả thì sẽ tăng cường được mối liên kết giữa sản xuất và thị trường thế giới. Từ đó sẽ giảm được chi phí thương mại và tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp trong nước về thực hiện đơn hàng.
Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đang bị hạn chế nghiêm trọng do sự yếu kém của hành lang kết nối giữa những trọng điểm tăng trưởng quan trọng với các cửa ngõ quốc tế lớn, chi phí vận tải cao, và chất lượng vận tải và logistics kém. Đầu tư vẫn chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu vào đường bộ hơn là các loại hình vận tải đa phương thức khác. Quy hoạch tổng thể cần phải phản ánh nhu cầu ngày càng lớn của các hoạt động kinh tế và thương mại quan trọng cũng như tối ưu hóa đầu tư vào vận tải đa phương thức và các trung tâm logistics.
“Nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công, rõ ràng là vượt khả năng tài trợ, kém hiệu quả và do vậy không bền vững. Việc chuyển dịch sang tài trợ bởi khu vực tư nhân và thiết lập ưu tiên rõ ràng cho đầu tư thiết yếu là chìa khóa để có kết nối tốt hơn”, chuyên gia của WB cho hay.
Thứ hai, tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể là một yếu tố quyết định.
Các xu hướng toàn cầu cho thấy lợi ích có được từ tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể lớn hơn nhiều lợi ích từ giảm thuế quan, đặc biệt khi mà mức thuế quan hiện đã khá thấp ở phần lớn các lĩnh vực. Tăng cường tạo thuận lợi thương mại thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan và các quy định quản lý chuyên ngành có rất nhiều quy định phải tuân thủ, mà theo ước tính chiếm tới 76% thời gian cần thiết để nhập khẩu, đáp ứng các yêu cầu quản lý thủ tục ở trước và tại cửa khẩu.
Trong khi mục tiêu tạo thuận lợi thương mại là nhằm tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng, giảm các chi phí, gánh nặng thủ tục, và các điểm tắc nghẽn đối với doanh nghiệp. Tiến bộ gần đây trong cải cách hải quan là rất đáng khích lệ, nhưng việc cải cách và hiện đại hóa các cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn chậm trễ hơn nhiều. Việc chỉ cải cách ngành hải quan sẽ không tạo ra hiệu quả đáng kể về tạo thuận lợi thương mại.
Thứ ba, để thành công, một đòi hỏi quan trọng là phải có sự phối hợp, cộng tác liên ngành với doanh nghiệp. Để thực hiện thành công Chương trình hành động đa ngành rõ ràng cần sự cam kết của tất cả các cơ quan và một cơ chế phối hợp liên ngành có sự chỉ đạo sát sao của chính phủ.
Thứ tư, theo dõi và đo lường được tiến độ cải cách cũng rất quan trọng. Những gì không thể đo được thì khó được cải thiện. Việc thu thập và duy trì dữ liệu về logistics và hiệu quả tạo thuận lợi cho thương mại là rất quan trọng để triển khai các cải cách và hoạt động thích hợp. Có được số liệu thống kê chính xác về logistics và vận tải sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách chính xác hơn, trong khi thách thức đầu tiên của Việt Nam là chưa có cơ sở dữ liệu ban đầu của hoạt động vận tải và logistics.
“Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tạo thuận lợi thương mại, phát triển logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại, coi đó là một nội dung trọng tâm xuyên suốt trong chiến lược phát triển và tăng trưởng của mình. Chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật toàn diện kết hợp với hỗ trợ tài chính trong thời gian nhiều năm nếu cần”, Giám đốc quốc gia của WB khẳng định.
Theo Economy