Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017, nhiều chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp ngành hàng thảo luận, trao đổi liên quan đến chi phí logistics Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Cước vận tải hàng không Việt Nam vẫn cao hơn khu vực
Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đặt câu hỏi, tại sao cước phí vận chuyển hàng không từ Hải Phòng đi Hồng Kông lại rẻ hơn từ Hải Phòng về Hà Nội? Đây là bài toán “con gà quả trứng”, chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn, hàng không chưa có đường bay chuyên chở vận tải hàng hoá khiến cước cao. Ngược lại, cước cao khiến doanh nghiệp không sử dụng dịch vụ vận tải hàng không. Vậy thì chúng tôi muốn xem quy hoạch và định hướng dài hạn cho bài toán cước phí hiện tại của hàng không Việt Nam?
Ông Đỗ Xuân Quang, Tổng giám đốc Vietjet Air Cargo, cho hay, giá cả do thị trường quyết định. Ví dụ, xuất hàng hóa từ Hà Nội đi Dubai tại sao đắt hơn đi Bangkok. Nguyên nhân là do chưa có đường bay đi Dubai nên chi phí cao, Bangkok có đường bay nên rẻ hơn. “Chúng ta cần có những đội bay chuyên chở hàng hoá, chuyên xuất khẩu hàng đặc biệt hàng nông nghiệp trái cây hoa trái”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, thị trường hàng không Việt Nam rất năng động và có tốc độ phát triển rất nhanh, nhanh nhất thế giới. Phát triển vận tải hàng không giúp Việt Nam kết nối với khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với khu vực, thế giới nhanh.
Tuy nhiên, hiện vận tải hàng không của Việt Nam chiếm một phần nhỏ trong khối lượng hàng hoá Việt Nam, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Vận tải hàng không đóng góp 3 tỷ USD vào GDP cả nước. Năm 2016, cảng hàng không của Việt Nam thông quan 1,1 triệu tấn hàng hóa, năm 2017 dự kiến là 1,4 triệu tấn. Đến năm 2020, khoảng 2,5 triệu tấn.
“Thị phần hàng không của Việt Nam chiếm 12%, đều là của 3 hãng hàng không. Các hãng nước ngoài (58 hãng) chiếm tới 80% trong việc xuất khẩu quốc tế. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ”, ông Quang nói.
Ông Quang cũng chỉ ra thách thức vận tải hàng không Việt Nam như các hãng hàng không trong nước chỉ tập trung khai thác máy bay hành khách mà chưa đầu tư máy bay chuyên trở hàng hoá. Thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm vận tải hàng không.
“Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng thị trường hàng không vẫn còn nhiều tiềm năng cho sự phát triển hàng không”, ông Quang nói và cho rằng tình trạng quá tải của sân bay Hà Nội, Tân Sơn Nhất kẹt cứng. Cần cơ chế mới tạo ra cảng hàng không nối dài của sân bay, xử lý hàng hoá trước khi đưa vào đường bay.
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), cho rằng, nhắc đến sự phát triển của ngành dịch vụ logistics trong đó phải nói đến vai trò quan trọng của ngành ngân hàng.
Theo ông Tùng, cần phải thay đổi cơ chế, chính sách để phát triển ngành dịch vụ logistics. Đối với doanh nghiệp, phải có chiến lược đầu tư đủ mạnh, đủ quyết liệt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, container, xe rỗng hay cách thức quy hoạch vận tải không tốt dẫn đến chi phí cao. “Chúng ta không chỉ trông chờ, hỗ trợ từ Nhà nước mà doanh nghiệp phải quyết tâm, đầu tư lớn cùng với sự tham gia sâu của ngành ngân hàng thì chắc chắn sẽ cạnh tranh được”, ông Tùng khẳng định.
Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển logistics Việt Nam
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu đầy đủ gửi Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, xem xét, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện thành công, phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, từ những phân tích, đánh giá yếu kém, tồn tại của ngành logistics Việt Nam trong thời gian qua, ban tổ chức cần có những biện pháp quyết liệt hơn để đạt mục tiêu trong Quyết định 200 của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Ngoài ra, thời gian tới tiếp tục cắt giảm các thủ tục kinh doanh, điều kiện hành chính thông qua các biện pháp cụ thể. Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải trao đổi, thống nhất với Ngân hàng Thế giới thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá chi phí logistics trong tăng trưởng GDP, chi phí xuất khẩu hàng hoá Việt Nam và có đề xuất với Chính phủ để giảm thiểu chi phí.
Về dài hạn, Bộ Công Thương cùng Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển logistics Việt Nam.
Theo VnEconomy